Bị Tây Ngụy diệt Lương_Nguyên_Đế

Gây hấn với Tây Ngụy

Nhà Lương sau loạn Hầu Cảnh và sự can thiệp của nhà Tây Ngụy bị hậu quả nặng nề. Lúc Tiêu Dịch mới lên ngôi ở Giang Lăng, nhân dân không đầy ba vạn hộ. Các quận ở Giang Bắc phần nhiều bị nhà Bắc Tề lấn chiếm. Lương Châu, Ích Châu đã hoàn toàn rơi vào tay Tây Ngụy. Cả một dải Ung Châu lại trở thành đất của Tây Ngụy, phần đất đai của nhà Lương nằm ở bắc sông Hán Thủy đều thuộc về Tây Ngụy. Nước Lương bị thu hẹp rất nhiều so với thời Lương Vũ Đế.

Trước đây Tiêu Dịch xưng thần với Tây Ngụy, nhưng sau khi làm Hoàng đế, ông không xưng thần nữa. Tây Ngụy sai sứ là Vũ Văn Nhân Thứ đến Giang Lăng thăm hỏi, Lương Nguyên Đế tiếp sứ sơ sài, đồng thời còn biểu lộ cho ông ta thấy nước Lương đã thống nhất, rằng Lương Châu, Ích Châu và những địa phận do Tây Ngụy chiếm lấy nay phải trả lại cho nước Lương. Vũ Văn Thái ở Tây Ngụy nghe vậy đùng đùng nổi giận, nói:

Ông Trời muốn diệt người này rồi, bây giờ thì không ai cứu được hắn!

Vũ Văn Thái cùng các triều thần tính chuyện thôn tính luôn Giang Lăng. Tây Ngụy chuẩn bị sẵn một phương án thành lập một quốc gia chư hầu ở phía nam với con bài Nhạc Dương Vương Tiêu Sát (519 – 562). Tiêu Sát vốn là con thái tử Tiêu Thống, năm 546 được phong làm Thứ sử Ung Châu. Sát tấn công đại bản doanh Giang Lăng của Tiêu Dịch thất bại, chạy sang hàng phục Tây Ngụy, được nhà Tây Ngụy cho quân bảo vệ. Tiêu Sát được Tây Ngụy phong làm Lương Vương, dự định đưa về làm Vua nước Lương thay Tiêu Dịch.

Tháng 9 âm lịch năm 554, các tướng Vu Cẩn, Vũ Văn Hộ, Dương Trung dẫn 5 vạn bộ binh kỵ binh, chỉ huy quân Tây Ngụy tiến đến Tương Dương. Tiêu Sát có tham qua đội quân này, tiến về Giang Lăng.

Lúc này lực lượng của Trần Bá Tiên, Vương Tăng Biện và con là tướng Vương Lâm (526 - 573), Thứ sử Quảng Châu đều ở xa Giang Lăng không về kịp. Quân Tây Ngụy đến gần, Lương Nguyên Đế vẫn mải đứng giảng "Đạo đức kinh" của Lão Tử cho triều thần trong suốt 9 ngày.

Tình hình nguy cấp, Tạ Đáp Nhân đề nghị tập hợp toàn quân trong thành Giang Lăng quyết một trận tử chiến. Ban đầu Nguyên Đế chấp thuận, lại gả công chúa cho Đáp Nhân. Nhưng sau đó, Nguyên Đế lại nghe lời gièm pha của Vương Bao, cho rằng Đáp Nhân từng phục vụ Hầu Cảnh, nên lại ra lệnh thu hồi binh quyền của Nhân. Nhân uất ức mà chết.

Ngày 14 tháng 11 âm lịch (23 tháng 12 năm 554), đại quân Tây Ngụy bao vây Giang Lăng, ngày 29 (tức 7 tháng 1 năm 555) thì phá thành, bắt sống các tướng cùng Lương Nguyên Đế, giao cho Tiêu Sát.

Tránh bị hạ nhục

Biết Tiêu Sát sẽ tìm cách hạ nhục mình, Tiêu Dịch liền nghĩ ra cách tránh. Ông nói với người canh giữ là Bộc xạ Trưởng Tôn Liêm:

Ta có nghìn vàng ở trong thành nội, nếu ông dẫn ta đến đó. Ta sẽ chỉ cho chỗ giấu, số vàng ấy sẽ là của ông

Trưởng Tôn Liêm mừng rỡ, giải Tiêu Dịch vào thành nội. Nhưng khi vào đến trong thành, Tiêu Dịch thú nhận:

Thú thật ta đã nói dối ông. Ta là vua, để vàng trong kho, làm sao mà phải chôn giấu vàng? Chỉ vì ta muốn tránh xa Tiêu Sát một chút để hắn đừng làm nhục ta thôi.

Trưởng Tôn Liêm bị lừa nên bực tức, khi trở lại quân doanh, Liêm cùng Tiêu Sát ra sức khuyên Đại tướng Vu Cẩn giết Tiêu Dịch.

Biết mình không tránh khỏi cái chết, suốt ngày Tiêu Dịch uống rượu và làm thơ buồn.

Tháng 12 âm lịch năm 554 (đầu năm 555 dương lịch), Vu Cẩn chấp thuận đề nghị của Tiêu Sát, sai Phó Chuẩn giết chết ông. Lúc đó Lương Nguyên Đế 47 tuổi. Nhiều tôn thất nhà Lương cũng bị hành hình.

Chỉ có Tiêu Phương Trí, con nhỏ của Lương Nguyên Đế không có mặt ở Giang Lăng nên thoát nạn, sau được Trần Bá Tiên lập làm Lương Kính Đế. Trăm họ Giang Lăng hơn 1 vạn người bị Tây Ngụy chia cho tướng sĩ làm nô lệ và bị dẫn hết về vùng Quan Trung.

Cục diện chính trị ở Giang Nam thay đổi dữ dội. Tây Ngụy đem Giang Lăng thành không nhà trống này giao cho là Tiêu Sát coi giữ. Tiêu Sát thành lập Hậu Lương, tức là Lương Tuyên Đế, thực quyền chỉ có ở vùng Giang Lăng, thần phục nhà Tây Ngụy, tồn tại cho đến năm 587.